Hậu quả và ý nghĩa Trận Giang Lăng (208–209)

Chiến dịch Giang Lăng kéo dài hơn 1 năm mới kết thúc. Tuy chưa chiếm được toàn bộ Nam quận nhưng Tôn Quyền đã giành quyền kiểm soát đại bộ phận phía nam; chỉ còn lại vài huyện quanh Tương Dương vẫn còn trong tay Tào Tháo. Chu Du được Tôn Quyền phong làm Thái thú Nam quận, thiết lập chiến tuyến tiền tiêu tại đây trong cuộc đối đầu với Tào Nhân.

Trong khi Lưu Bị và Trương Phi tham gia tác chiến cùng Chu Du, Gia Cát Lượng, Quan Vũ, Triệu Vân phối hợp với Lưu Kỳ tấn công 4 quận Trường Sa, Quế Dương, Vũ Lăng và Linh Lăng ở phía nam Kinh châu. Các thái thú Kim Toàn, Lưu Độ, Hàn Huyền và Triệu Phạm đều đầu hàng.

Tam Quốc diễn nghĩa kể rằng Thái thú Trường Sa là Hàn Huyền bị Ngụy Diên giết chết vì định giết Hoàng Trung. Trên thực tế, Ngụy Diên thuyết phục được Hoàng Trung kích động các tướng sĩ không theo lệnh của Hàn Huyền, khiến Hàn Huyền buộc phải đầu hàng[15].

Phần Tôn Quyền tấn công Hợp Phì thất bại. Như vậy sau 1 năm khổ chiến sau trận Xích Bích, phía Tôn Quyền chỉ thu được nửa Nam quận (và nửa quận Giang Hạ có từ trước), còn Lưu Bị có được 4 quận phía nam (thêm nửa quận Giang Hạ của Lưu Kỳ).

Tuy nhiên, chiến quả của Chu Du không hề nhỏ, vì vị trí chiến lược của Giang Lăng vẫn rất quan trọng trong thời cuộc mới. Giang Lăng nói riêng và Nam quận nói chung là vị trí trung tâm Hoa Hạ, từ đây có thể phát động chiến tranh lên trung nguyên với Tào Tháo và tấn công sang Ích châu của Lưu Chương, Trương Lỗ. Trong khi chiến lược Long Trung đối sách mà Gia Cát Lượng đã quy hoạch cho Lưu Bị chính là giành lấy hai châu Kinh, Ích để có 2 đường tấn công lên trung nguyên tranh giành thiên hạ, thì Chu Du cũng đề ra với Tôn Quyền về chiến lược từ Giang Lăng tiến vào chiếm Thục và Hán Trung rồi liên kết với Mã Siêu để cùng đánh lên trung nguyên từ mấy đường[16].

Bốn quận mà Lưu Bị có được chỉ giúp Lưu Bị giải quyết vấn đề nhân lực và kinh tế, không đóng vai trò chiến lược trong việc thi hành Long Trung sách. Do đó, Lưu BịGia Cát Lượng phải tính tới việc tiếp cận địa bàn các quận phía bắc Kinh châu mà hậu quả là ông phải dùng nhiều nỗ lực ngoại giao, phải đợi tới khi Chu Du qua đời (210), cộng thêm sự hỗ trợ của một nhân vật ôn hòa, coi trọng liên minh Tôn-Lưu là Lỗ Túc để thực hiện được mục đích mượn huyện Giang Lăng, gọi là "mượn Kinh châu" của Tôn Quyền để có bàn đạp tiếp cận với trung nguyên. Tôn Quyền nghe theo lý lẽ của Lỗ Túc (khiến Tào Tháo thêm kẻ thù, mượn sức Lưu Bị đỡ cho gánh nặng phía tây Giang Đông[17]), đồng ý cho Lưu Bị mượn Giang Lăng.

Cũng vì việc Lưu Bị vẫn không trả lại Giang Lăng sau khi lấy được Ích châu, Tôn Quyền quyết định dùng vũ lực để đoạt lại vùng đất chiến lược này.